Giáo dục Caroline xứ Braunschweig-Wolfenbüttel

Caroline được dạy dỗ bởi các giáo sư (Governess), nhưng môn học duy nhất mà bà được học chuyên sâu là âm nhạc.[2] Từ năm 1783 đến năm 1791, Nữ Bá tước Eleonore von Münster là giáo sư của bà và được bà dành cho nhiều cảm tình, nhưng Nữ Bá tước không bao giờ dạy cho bà cách đánh vần chính xác bởi Caroline luôn thích ra lệnh cho một thư ký của mình.[2] Caroline thông hiểu tiếng Anhtiếng Pháp, nhưng cha bà thừa nhận rằng bà không được học hành tử tế.[3] Theo ý của mẹ bà, các Công chúa Đức đều học tiếng Anh với hy vọng sẽ được chọn kết hôn với George, Thân vương xứ Wales, con trai cả của George III, người thừa kế ngai vàng và là em họ của Caroline.[4]

John Stanley, sau này là Lord Stanley xứ Alderley, đã gặp bà vào năm 1781 và nhớ đến bà bà là một thiếu nữ hấp dẫn với mái tóc đẹp và xoăn.[5] Năm 1784, bà được mô tả là một mỹ nhân và hai năm sau đó, Mirabeau mô tả bà là "một cô nương vô cùng đáng yêu, đầy sức sống, vui tươi, hóm hỉnh và xinh đẹp".[2]

Caroline được giáo dưỡng với một chế độ nghiêm khắc, tránh tiếp xúc với người khác giới ngay cả trong những giờ phút riêng tư.[2] Bà được cho là bị giáo sư của mình và những quý bà lớn tuổi khác quản thúc cực kỳ nghiêm ngặt, bị nhốt trong phòng riêng khi nhà có khách và phải tránh xa các cửa sổ.[2] Bà thường không được phép tham dự các buổi dạ hội và các sự kiện trong triều, dù được phép, bà cũng sẽ bị cấm khiêu vũ. Abbé Baron nhận xét: "Vị cô nương ấy bị giám sát với mức độ nghiêm ngặt nhất, bởi họ cho rằng cô ta đã nhận thức được những gì mình còn thiếu. Tôi không chắc liệu những ngọn đuốc của Nguyệt Lão có chiếu lên cô ấy hay không. Dù luôn thể hiện vẻ trang trọng thanh lịch, cô nương ấy không bao giờ được phép khiêu vũ",[6] mỗi khi mọi người bắt đầu khiêu vũ, Caroline buộc phải ngồi xuống bàn chơi bài với ba quý bà lớn tuổi.[2] Một dịp hiếm hoi bà được phép khiêu vũ là tại hôn lễ của anh trai Charles, mặc dù người nhảy cùng với bà chỉ là anh trai, người đầy tớ giám sát bà hoặc anh rể, Thân vương xứ Orange - tuy nhiên, bà vẫn bị cấm dùng bữa tối riêng với anh trai.[2] Sự cô lập u mịch này đã hành hạ bà, được chứng minh qua một lần nọ bà lại bị cấm tham dự một buổi dạ hội. Caroline đã giả vờ lâm trọng bệnh đến nỗi cha mẹ bà phải rời khỏi buổi dạ hội để đến thăm bà. Khi họ về tới, bà nói mình sẽ chuyển dạ và đòi cha mẹ tìm một bà mụ. Khi bà mụ đến nơi, bà ngừng diễn và hỏi mẹ mình: "Bây giờ, thưa quý bà, bà có còn cấm con tham dự dạ hội nữa không?"[2]

Bà Công tước xứ Brunswick muốn sắp xếp một mối hôn sự cho một trong những đứa con của bà với một thành viên trong vương thất Anh. Khi cháu trai bà, Vương tử Frederick, Công tước xứ York và Albany đến thăm Brunswick vào tháng 6 năm 1781, bà than thở với Frederick rằng Caroline không thể thường xuyên xuất hiện như trước đây vì đã trở thành một thiếu nữ.[2] Từ năm 1782, Caroline đã nhận được một số lời dặm hỏi từ Thân vương xứ Orange, Vương thân George xứ Hawai-Darmstadt, Charles, Công tước xứ Mecklenburg-Strelitz, và con trai thứ hai của Bá tước xứ Baden, trong khi đó cha mẹ của Caroline mong muốn có con rể là một Vương tử Anh hoặc Vương tử Phổ, cuối cùng không có hôn sự nào được tác hợp.[2] Caroline sau đó đã nói rõ rằng cha bà đã cấm bà kết hôn với một người đàn ông bà yêu vì địa vị thấp kém. Danh tính của người đàn ông này chưa được xác định, nhưng những người đương thời cho rằng có thể Caroline đã đem lòng yêu một Sĩ quan được gọi là "Mỹ nam Ireland" sống ở Brunswick.[2] Cũng có tin đồn nói Caroline đã sinh con ở tuổi mười lăm.[2]

Mặc dù không được phép tiếp xúc với nam giới, Caroline được phép đi xe ngựa và bà đã đến thăm một số ngôi nhà của các nông dân. Bà đã từng làm việc này khi còn nhỏ, trong thời gian đó bà đã đến gặp lũ trẻ con để chơi đùa, và khi trưởng thành, một trong những chuyến đi này được cho là đã dẫn đến việc bà mang thai.[2] Không có bất kỳ xác nhận nào về tin đồn này, nhưng lời đồn luôn được biết đến khi bà còn sống và được xem là một lý do bà kết hôn trễ hơn bình thường, dù bà cũng được coi là có nhan sắc và nhận được rất nhiều lời cầu hôn lúc bấy giờ.[2]